Sơn ô tô cũng như dầu mỡ, hàng năm nhà sản xuất ô tô có thể thay đổi nhà cung cấp OEM.
Các hãng sơn có thương hiệu trên thế giới, họ đồng thời vừa là OEM của các nhà máy sản xuất và cũng bán ra thị trường các sản phẩm đó cho các nhà cung cấp dịch vụ sau bán hàng.
Cũng tương tự như mọi sản phẩm khác, sơn cũng được xếp hạng chất lượng nhưng do một số lý do nên hầu như các nhà sản xuất ô tô sẽ lựa chọn hãng sơn của nước họ nếu đảm bảo được các tiêu chí kỹ thuật. Tuy nhiên, chỉ các hãng sơn lớn mới có đủ các dải sản phẩm để cung cấp toàn bộ giải pháp cho nhà sản xuất cũng như thị trường dịch vụ.
Đã từng có thời gian nhà máy Ford Việt Nam chọn hãng sơn OEM cho sản xuất nhưng các vật liệu sơn cho các phụ tùng nhựa phải mua thêm của hãng Dupont (nay là Axalta).
Về nguyên tắc, nếu cùng một hãng sơn thì sơn “zin” và sơn sửa chữa không khác nhau về chất lượng, trừ khi xưởng dịch vụ họ sử dụng loại sơn cao cấp hơn.
Nhưng sơn “zin” có lý do để người mua xe cũ thích hơn là bởi vì khi sơn trong nhà máy, vỏ chiếc xe được “khử khuẩn” tương đối tuyệt đối, sơn trong môi trường tiêu chuẩn, không có bụi và các chế độ phun, tốc độ phun sơn theo đúng quy trình chuần 100 cái như 100 cái nên tổng thể chiếc xe gần như là đồng nhất, trong khi nếu sơn sửa chữa thì người thợ phải xử lý bề mặt bằng tay, bằng máy tại vị trí đã gò hàn nên sơn lót, ma tít dù có mài chà với kỹ thuật cao nhất cũng không thể hoàn hảo được như chiếc vỏ xe mới.
Hơn nữa, môi trường sơn ở xưởng không thể tinh sạch như trong nhà máy, độ ẩm cao hơn và áp suất phun của súng phun sơn có thể sẽ bị ảnh hưởng do các hoạt động của xưởng… Mặc dù vậy, nếu xe buộc phải sửa chữa và thực tế, quá trình sử dụng xe là không tránh được thì việc sơn lại xe bằng các vật liệu sơn của các hãng sơn nổi tiếng thì chất lượng và nước sơn so với sơn “zin” cũng một chín, một mười.
Để lại bình luận của bạn