
Việt Nam từng bước chân vào ngành công nghiệp ô tô từ rất sớm, với những cái tên như xe Dalat của thập niên 1960 hay Vinaxuki những năm 2000. Tuy nhiên, sau những khởi đầu đầy nhiệt huyết, thị trường ô tô trong nước gần như bị bỏ ngỏ trong nhiều thập kỷ, nhường chỗ cho các hãng xe nước ngoài thống trị.
Trong khi đó, Trung Quốc – cũng bắt đầu sản xuất ô tô từ thập niên 60 với các mẫu như Bắc Kinh, Giải Phóng – cũng vật lộn trong nhiều năm với các mẫu xe xăng và diesel. Các sản phẩm nội địa hầu như chỉ phục vụ trong nước, chưa tạo được dấu ấn toàn cầu.
Mọi thứ thay đổi khi Tesla, dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Elon Musk, mở ra kỷ nguyên xe điện. Trung Quốc nhanh chóng nắm bắt cơ hội, lao vào cuộc chơi và bứt phá mạnh mẽ. Từ một quốc gia bị coi là “công xưởng” lắp ráp, Trung Quốc vươn lên thành cường quốc xe điện, sở hữu hàng trăm thương hiệu EV. Một số tên tuổi như BYD đã vươn tầm thế giới, thậm chí vượt qua cả Tesla về doanh số – dù phần lớn vẫn diễn ra trên “sân nhà”.
Câu chuyện tại Việt Nam cũng hấp dẫn không kém. Năm 2017, khi VinFast – công ty con của Tập đoàn Vingroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập – tuyên bố tham gia thị trường ô tô, không ít người hoài nghi. Trong bối cảnh thị trường trong nước đã bị các “ông lớn” chiếm lĩnh hàng chục năm, với những mẫu xe ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng, việc một thương hiệu nội địa chen chân vào cuộc chơi tưởng chừng bất khả thi.
Thế nhưng, chính cuộc cách mạng xe điện đã tạo ra bước ngoặt. VinFast không đi theo lối mòn xe xăng – mà chọn chiến lược "đi tắt đón đầu" với xe điện. Và điều không ai ngờ đã xảy ra: từ một tay chơi non trẻ, VinFast dần khẳng định vị thế thương hiệu ô tô quốc gia.
Đến năm 2024, VinFast đã đạt doanh số gần 90.000 xe và mở rộng hiện diện tại nhiều quốc gia có truyền thống sản xuất ô tô lâu đời như Mỹ, Đức, Pháp, Anh... Bước sang quý I/2025, VinFast tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường ô tô điện tại Việt Nam với hơn 35.100 xe được bàn giao.
Để lại bình luận của bạn