Kể từ năm 1903, đại lý chính thức của Ford được mở tại Detroit, Michigan. Đây là đại lý bán xe của Ford, đồng thời cũng là một trong những mô hình bán xe "nhượng quyền" đại lý ô tô đầu tiên trên thế giới.
Trong giai đoạn ngành ô tô phát triển mạnh vào thập kỷ đầu, các nhà sản xuất ô tô đã phát minh ra một mô hình kinh doanh để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, đồng thời cung cấp các dịch vụ gần gũi, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng với chi phí hợp lý. Đây là một ý tưởng kinh doanh sáng tạo, giúp các nhà sản xuất có thể tập trung vào nghiên cứu, hoàn thiện và đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường.
Quan hệ giữa nhà sản xuất và đại lý giống như một "hợp đồng hôn nhân", giúp "góp gạo thổi cơm chung". Mặc dù là những thực thể khác nhau, nhưng hai bên vẫn được tự do thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả nhất.
Mô hình này đã được nhân rộng trên toàn cầu, và hầu hết các nhà sản xuất đều "franchise" các dịch vụ bán xe, cung cấp phụ tùng và các dịch vụ gia tăng khác qua các đại lý. Trong mô hình này, trách nhiệm giữa các bên được phân chia rất rõ ràng. Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm, cam kết đưa ra các tiêu chí, mô hình, hệ thống nhận diện, đào tạo và hỗ trợ đại lý trong việc phát triển bán hàng, marketing. Trong bất kỳ trường hợp nào liên quan đến sản phẩm và các hoạt động của đại lý, nhà sản xuất phải luôn đóng vai trò quan trọng để đảm bảo đại lý có thể duy trì hoạt động. Do đó, các nhà sản xuất cần giữ tiêu chuẩn, công bằng, minh bạch và có các phương thức thúc đẩy sự phát triển. Trong trường hợp bất khả kháng, nhà sản xuất sẽ cùng đại lý tìm nguyên nhân, hỗ trợ và đồng hành để đại lý vượt qua khó khăn.
Thực tế, các hãng xe coi đại lý ô tô như "con đẻ" của mình. Khi đại lý gặp khó khăn, đó là một vấn đề rất nghiêm trọng, và nhà sản xuất có trách nhiệm tìm ra nguyên nhân, hỗ trợ về nhân sự, tài chính... để đại lý không rơi vào tình trạng rủi ro. Trong trường hợp bất khả kháng, sẽ cần một đội ngũ đánh giá thiệt hại cho đại lý, các vấn đề sản phẩm tồn kho, các chính sách chưa thực hiện cho khách hàng và đại lý... vì những vấn đề này có thể tạo ra hậu quả lớn, như mất lòng tin của hãng, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, không có trách nhiệm đối với các sản phẩm mà mình cung cấp.
Bản chất của "cuộc hôn nhân" giữa nhà sản xuất và đại lý là dựa trên nền tảng của sản phẩm, hệ thống quản trị của nhà sản xuất, và hai bên cùng đưa các sản phẩm và dịch vụ đến tay khách hàng tại các địa điểm thuận lợi nhất. Các thương hiệu lớn thực sự có chiến lược bền vững, tập trung rất nhiều vào các đại lý, vì đại lý chính là cánh tay nối dài từ nhà máy đến người tiêu dùng. Đối với ngành ô tô, đại lý bán xe thực sự là một khoản đầu tư lớn về cơ sở vật chất, con người và cả tầm nhìn của nhà sản xuất và nhà đầu tư. Do đó, các hãng có mạng lưới đại lý rộng khắp trên thế giới, và chỉ cần một đại lý của họ gặp khó khăn, họ sẽ ngay lập tức tìm cách chữa trị hiệu quả. Nếu đại lý vì lý do bất khả kháng phải dừng hoạt động, đó thực sự là một vết thương lớn.
Người tiêu dùng cũng tin tưởng vào uy tín của đại lý, nhiều khách hàng không chỉ chọn mua xe vì thương hiệu mà còn vì chính đại lý đó. Đại lý giống như một bệnh viện: nếu không có bác sĩ giỏi và ý thức với sự sống còn của bệnh nhân, thì dù cơ sở vật chất có hiện đại, marketing hay đến đâu chăng nữa cũng không giữ chân được khách hàng.
Đại lý ô tô không phải là một cửa hàng bán xe đơn giản, cũng không giống như một garage sửa chữa hay phòng khám, nơi chỉ cần thiết bị là có thể hoạt động. Để thành công, đại lý ô tô cần có sự đầu tư nghiêm túc vào con người, quy trình và hệ thống quản trị bài bản. Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất chỉ chú trọng vào lợi ích ngắn hạn để "bán sản phẩm bằng mọi giá", mối quan hệ giữa nhà sản xuất và đại lý sẽ trở nên tạm bợ, nhà đầu tư sẽ không có tương lai, và người tiêu dùng có thể gặp rủi ro khi sử dụng xe
Để lại bình luận của bạn