Saab là thương hiệu ô tô Thụy Điển thuộc sở hữu của công ty Saab Automobile AB có tiền thân là công ty Svenska Aeroplan Aktiebolaget (Svenska Aircraft Company) chuyên sản xuất máy bay và có trụ sở chính đặt tại Trollhättan, Thụy Điển.
Vào năm 1937, một hãng chế tạo máy bay quân dụng có tên là Svenska Aeroplan Aktiebolaget (Công ty TNHH Hàng không Thụy Điển - SAAB) đã được thành lập để đáp ứng nhu cầu cơ bản của Không quân Thụy Điển.
Khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, công ty máy bay SAAB đã bắt đầu sản xuất xe hơi để đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của họ.
Công ty Saab AB sản xuất ô tô được thành lập vào năm 1945 với dự án đầu tiên Project 92 về thiết kế một mẫu xe cỡ nhỏ. Năm 1949, mẫu xe Saab đầu tiên được chính thức giới thiệu trên thị trường.
Năm 1969, Saab AB sáp nhập với công ty sản xuất xe thương mại Scania-Vabis AB và thành lập liên minh Saab-Scania AB. Cũng trong giai đoạn này, công ty đạt được cột mốc 1 triệu chiếc xe được sản xuất.
Năm 1978, Saab ký kết một thỏa thuận với Fiat nhằm bán mẫu xe Lancia Delta dưới tên gọi Saab 600, đồng thời hai bên tham gia phát triển một mẫu khung gầm mới. Trong năm này, hãng giới thiệu mẫu xe mới Saab 900 và với gần 1 triệu chiếc được sản xuất, Saab 900 trở thành mẫu xe bán chạy nhất và là biểu tượng của Saab.
Trong giai đoạn thập niên 1980, các mẫu xe của hãng được biết đến rộng rãi tại Mỹ, phân khúc khách hàng chủ yếu là giới trẻ thành thị. Bên cạnh đó, các mẫu xe mới như 900 Turbo, 900 Turbo Aero, 900 convertible, Saab 9000 tiếp tục được ra mắt, bổ sung vào dãy sản phẩm của hãng. Năm 1987, công ty gặp phải khó khăn về tài chính và phải đóng cửa nhà máy tại Arlov để cắt giảm chi phí. Năm 1989, phân nhánh Saab của Saab-Scania AB được tái cấu trúc thành một công ty độc lập. General Motors và Investor AB mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần của Saab Automobile AB.
Sang những năm 2000, General Motors đã mua 50% cổ phần còn lại tại Saab Automobile AB và trở thành công ty mẹ của thương hiệu Thụy Điển này. Mặc dù Saab được định vị như là thương hiệu hàng đầu về công nghệ an toàn, danh tiếng của thương hiệu này tại Mỹ lại dựa vào phần lớn trên thiết kế, khung gầm và cấu phần của hãng mẹ General Motors.
Khi General Motors gặp phải khó khăn tài chính và đứng trước nguy cơ phá sản, Saab cũng đứng trước nguy cơ bị bán lại hoặc loại bỏ hoàn toàn như một số thương hiệu con khác của General Motors. Sau một số thương vụ mua lại, chuyển nhượng, tháng 5 năm 2012, CEO của Saab AB trong một cuộc họp báo đã lần đầu tiên đề cập đến việc phá sản của thương hiệu này.
Để lại bình luận của bạn