Sau thời gian hàng tuần đi chu du khắp các nẻo đường, những chiếc xe trải qua hàng ngàn km, leo đèo, lội suối và không ít những lần có thể vào những vùng có địa hình phức tạp, môi trường khắc nghiệt.

Mặc dù, trước đó xe có được kiểm tra, bảo dưỡng thì xe vẫn nên được kiểm tra, bảo dưỡng sau một cung đường dài và di chuyển liên tục, để trở lại trạng thái hoạt động bình thường.

Những việc cần kiểm tra, bảo dưỡng sau kỳ du xuân gồm;

Kiểm tra lại hoạt động của hệ thống lái: góc lái có thể sẽ phải căn chỉnh lại nếu trong quá trình di chuyển đi vào đường đồi núi gập ghềnh, rung lắc mạnh hay cày sàn xuống các bờ đường đá lổn nhổn. Cũng có thể đảo lốp nếu các lốp mòn không đều hoặc có hiện tượng mòn lệch má lốp...

Kiểm tra lại hoạt động của hệ thống phanh: các chuyến đi đường dài hệ thống phanh thường có cường độ làm việc cao, đặc biệt ở các cung đường nhiều đèo dốc. Vì vậy, việc kiểm tra lại hoạt động của hệ thống phanh, các phụ tùng bị hao mòn như má phanh là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần kiểm tra các ống dẫn dầu phanh đến các bánh, cụm chia phanh hay tổng phanh xem có bị rò rỉ dầu hay dầu phanh bị hao để khắc phục và bổ xung.

Kiểm tra gầm để đảm bảo chắc chắn các cú “sập gầm” hay lội nước, băng qua bùn lầy không làm cho các gối đỡ cao su, bạc ắc bị vỡ hỏng. Hộp số và cụm cầu không bị nước, bùn thâm nhập vào.

Kiểm tra gạt mưa, nếu bị xước thì thay thế để chống làm xước kính. Châm thêm nước rửa kính, kiểm tra nước làm mát để nếu đã đến km thay thế định kỳ thì thay hoặc thiếu hơn mức tối thiểu để bổ xung.

Kiểm tra dầu máy để xem có cần phải bổ xung hay thay thế khi có hiện tượng bị “thoái hóa” do động cơ hoạt động trong môi trường khắc nghiệt hoặc đã đến km cần thay thế định kỳ.

Có thể dọn dẹp, làm sạch nội thất, khoang máy và đánh bóng vỏ xe để chiếc xế yêu lại láng cóng và không phải lo nghĩ gì.