Hệ thống lái ô tô có cấu tạo phức tạp và đây cũng là bộ phận quan trọng nhất để đảm bảo xe vận hành chính xác, an toàn.

Hệ thống lái trên xe ô tô ngày nay không còn thuần cơ khí nữa mà được cấu tạo có sự hỗ trợ của hệ thống thủy lực, mô tơ điện và hệ thống điều khiển điện tử... thế nên, việc kiểm tra, bảo dưỡng và cẩn trọng với các cảnh báo là hết sức cần thiết.

Trên những xe đời mới, hệ thống cảnh báo điện tử sẽ báo sự cố bằng đèn trên màn hình đồng hồ táp lô. Tuy nhiên, người lái xe cũng có thể nhận ra được các bất thường khi vận hành như;

• Tay lái cảm thấy nặng hơn bình thường: Nguyên nhân có thể là do hệ thống trợ lực lái đang gặp vấn đề, góc đặt bánh xe sai hoặc cũng có thể do áp xuất lốp giảm (lốp non hơi).

• Tay lái bị rung lắc: Nguyên nhân có thể là do lỏng đai ốc bắt bánh xe lỏng, các khớp nối (cắt đăng) của hệ thống lái bị rơ, bạc trục lái bị mòn, hoặc mòn bạc thanh giằng thước lái, bánh xe không cân bằng, lốp mòn không đều (hiện tượng bánh xe không cân bằng sẽ có hiện tượng vô lăng rung nhẹ ở khoảng tốc độ từ 60 đến 80 km/h. Hiện tượng vô lăng bị nhảy hoặc bị kéo về một phía là do lốp mòn không đều, nhấp nhô).

• Tay lái không trở lại về trạng thái cân bằng: Nguyên nhân có thể do thiếu dầu thủy lực, khô ở các khớp nối, bạc thước lái xiết quá chặt hoặc góc đặt bánh xe.

• Vô lăng kéo lệch sang trái hoặc phải: Nguyên nhân có thể do áp suất lốp trước chênh lệch lớn, hai lốp trước mòn lệch, sai lệch góc đặt bánh xe quá lớn nhưng nếu các hiện tượng đề cập trên không xuất hiện thì khả năng nhiều là do xe tại nạn khi gò nắn phục hồi không chuẩn.

Để không xảy ra các điều đáng tiếc trên đường, hệ thống lái cần phải được kiểm tra định kỳ và khi nhận thấy có bất cứ hiện tượng bất thường nào cũng phải đưa đến garage để kiểm tra, hiệu chỉnh ngay.