
Cách đây khoảng hai thập kỷ, rất nhiều người tự tin nhìn từ xa hàng km, chỉ cần qua bóng dáng vẫn có thể nhận diện được chiếc xe ô tô đó là dòng nào, hiệu gì và tất nhiên, kèm theo đó là xuất xứ rõ ràng như ban ngày.
Nhưng gần đây, khi công nghệ thăng tiến, AI có thể “thu gom” toàn bộ kiến thức của nhân loại chỉ trong một tuần (hình như Elon Musk đã nói thế) và khi ngành ô tô rẽ lối sang xe điện, thì việc sản xuất ô tô không còn cần đến các kỹ thuật phức tạp, không cần đến kỹ năng, sự sáng tạo và lao động bền bỉ nữa. Tất cả, cho vào máy hết, và chỉ cần một câu lệnh, có hàng ngàn gợi ý về mẫu xe… Thứ khó nhất là động cơ, hộp số và hệ truyền động thì bị gác lên xó bếp.
Mặc dù công nghệ cần đến các “siêu kỹ sư” để lập trình, nhưng khi xong, chúng có thể bị sao chép một cách nhanh chóng. Ngày nay có thuật ngữ “pháp sư công nghệ”, những người này rất giỏi, họ không sáng tạo ra được phiên bản gốc nhưng lại có khả năng tháo gỡ nghiên cứu, chế tạo ra cái đúng ý thế, cả về hình thức lẫn các con chip, thuật toán.
Bước tiến của công nghệ là không thể cản được, nhưng bước tiến của công nghệ cũng có thể hủy hoại khả năng của con người. Giả tưởng, đến một ngày nào đó, công nghệ có thể sao chép, copy mọi thứ miễn là có phiên bản gốc, thậm chí điều này đã được nhân bản từ cứu Dorthy. Lúc đó, đi đến sao nào cũng vào một mớ hỗn độn thật giả lẫn lộn.
Dông dài về công nghệ như thế có lẽ đã đủ, chúng ta quay lại “máng lợn” là ô tô. Vì sản xuất ô tô dễ quá, tất nhiên phải có nhiều tiền nên trong hai thập kỷ qua, có đến hàng ngàn startup ô tô – xe máy điện. Và do việc sao chép, bản quyền sáng tạo gần như bị vô hiệu hóa, nên các hãng xe mới cứ việc copy, chỉnh sửa, thay đổi logo là có xe mới. Thế nên, nhận diện xe ngày xưa phải thực sự đam mê, yêu xe, biết nghề mới có thể. Ngày nay thì rất khó, kể cả có cắm đầu vào tìm hiểu vì… chúng giống nhau quá nên chẳng buồn nhớ.
Xe ô tô trở nên bình thường, hết đi giá trị “nâng cấp” một con người và cũng mất đi giá trị “phong cách” của chính nó, chứ chưa nói đến người sử dụng.
Trong thực tế, việc sao chép đã gần như là chuyện “thường ngày ở huyện”, thì việc các hãng sang nhượng cho nhau rất phổ biến. Nếu không chú tâm tìm hiểu, người mua sẽ không biết Land Rover đã có thẻ cư trú tại Ấn Độ, Mini có thẻ ở Đức và hàng loạt cái tên như Fiat, Alfa Romeo của Ý cũng có hai quốc tịch. Chuyện này không có gì là lạ, không phải là không cần thiết xét đến cả khía cạnh kỹ thuật lẫn kinh tế.
Trong thế giới công nghệ, công ty Lenovo (Trung Quốc) đã mua lại bộ phận máy tính cá nhân của IBM (Mỹ), bao gồm cả dòng ThinkPad nổi tiếng. Lenovo đã công khai và minh bạch thông báo rằng dòng máy tính ThinkPad hiện thuộc sở hữu và được sản xuất bởi Lenovo. Tương tự như vậy, dù là hãng xe mới, VinFast vẫn tự tin và mạnh mẽ với cái tên của chính mình. Thực tế, không có hãng xe ô tô nào tự sản xuất từ A đến Z; mỗi hãng xe đều phụ thuộc vào hàng ngàn nhà sản xuất phụ trợ. Việc sát nhập (M&A) diễn ra không chỉ trong làng ô tô mà khắp mọi ngõ ngách của thế giới này và rất nhiều hãng ô tô nổi tiếng như Volvo, Land Rover, Mini… có nhà đầu tư mới, nhưng dù có chiếm cổ phần đa số hay thiểu số, họ vẫn được nghiên cứu, sản xuất tại nơi sinh ra nó và điều này cũng không làm quan ngại người mua, dù cũng ít nhiều giảm đi sự thuần khiết mà khách hàng muốn.
Những thương hiệu ô tô đã bán đi “cả chì lẫn chài” thì có thể chỉ được gọi là có nguồn gốc, chứ còn mọi thứ của chủ sở hữu mới thì có thể gây nhầm lẫn. Nếu cố ý mập mờ để người tiêu dùng nhầm lẫn, thì có thể rất tai hại.
Những hãng xe như VinFast Việt Nam, Chery, Lynk & Co, BYD… họ tự tin với chính cái tên của mình, nhưng quan trọng hơn là họ đã minh bạch thông tin, tạo nên niềm tin cho người tiêu dùng vào chính họ.
Việc sao chép hay mập mờ, đánh lận con đen về thương hiệu và xuất xứ ô tô trên thực tế là đang xảy ra, vì điều này có thể cuốn hút người tiêu dùng vào những thứ vẫn còn đang neo ở trong tâm thức. Đôi khi, họ mua cả chiếc xe vì mỗi cái lôgô.
Để lại bình luận của bạn